Đó là một chuyến đi hiếm hoi mà tôi không hề biết trước sẽ đi đâu làm gì và cũng là lần đầu tiên không phải là người lên plan.
Chuyến đi từ thiện đầu tiên lại là chuyến đi mở ra vô vàn điều diệu kỳ mà tôi đã được tận mắt chứng kiến suốt chặng đường trong vòng 3 ngày ngắn ngủi.
Chính vì sự “đi ké” này mà tôi có thể dễ dàng tận hưởng chuyến đi và đứng ở góc nhìn quan sát tốt hơn.
Sau khi bước lên chuyến xe thiện nguyện cách thời gian đã ấn định là 2 tiếng hơn (tôi đang trong cơn bực tức mỗi khi ai đó trễ hẹn, và trễ hẹn quá lâu), lòng tôi bắt đầu bình an và bắt đầu có niềm tin rằng mọi sự sẽ tốt đẹp. Ba người anh đi chung là những người đã làm công tác thiện nguyện từ nhiều năm nay. Họ giản dị, nói nhiều, cười nhiều, và có một đức tin chung, tin mọi sự tốt lành sẽ đến và luôn được sắp đặt mọi chuyện để được như ý nguyện.
Tôi là người duy nhất không phải người trong đạo Tin Lành trong suốt chuyến đi và trong suốt tất cả những người tôi gặp trong 3 ngày. Tôi có thể cảm nhận được đức tin của tất thảy lớn đến mức nào và đức tin đó tạo nên một sự phối hợp nhịp nhàng đến khó tin. Nó là sự Hiệp Một. Nó là sự tin tưởng tuyệt đối. Nó là sự cộng hưởng và nó là sự an toàn.
Trong 3 ngày, đoàn chúng tôi đi đến 5 điểm, ở những vùng không có sóng điện thoại, không có điện, thiếu thốn nước sạch, đường đi khó khăn, không có trường học và bệnh viện, nhưng mọi người vẫn có cách để liên lạc với nhau và sắp xếp để mọi thứ vào đúng hành trình. Vừa đến điểm tập trung thì 9 chiếc xe chở đoàn người và đồ đạc vào làng vừa đến. Hơn một tiếng đồng hồ di chuyển thì vừa vào đến làng, đồ ăn đã được chuẩn bị gần xong. Không có một cuộc triệu tập các em nhỏ nào, nhưng các em vẫn đến lũ lượt, trong phút chốc mà sân đã đầy các em nhỏ.
Các bé không hề chen lấn và cũng không nhận thêm khi đã thấy đủ phần cho mình.
Tương tự, không có cuộc triệu tập các bạn thanh niên nào (ngoài các bạn có trong danh sách cấp học bổng), nhưng các bạn lại có mặt nhiều hơn con số dự tính gần gấp đôi. Các bạn đến nhận học bổng và tham gia bữa tiệc nướng cũng rất lễ phép, chủ động và có trách nhiệm. Các bạn tự tổ chức buổi sinh hoạt, có các trò chơi, có ca hát, có trò chuyện, có nghi thức, có chuẩn bị tiệc, cầu nguyện, ăn uống và dọn dẹp sạch sẽ trước khi ra về.
Trong suốt chyến đi, tôi không nhìn thấy ai phân công ai việc gì, nhưng không hề thấy ai đùn đẩy cho nhau việc gì, và cuối cùng thì việc gì cũng hoàn thành đúng lúc và đúng tiến độ.
Tôi ước (và cố gắng xây dựng) công ty của mình một ngày không xa cũng sẽ có được tinh thần như trên, những việc ở vùng xám, luôn có người đứng ra nhận lãnh, để chính mình và để chính tổ chức của mình cùng phát triển.
Ở một vùng đất khắc nghiệt, điều kiện sống thiếu thốn, nhưng tôi cá là những đứa trẻ ở đây vẫn luôn tìm thấy niềm vui của mình.
Quần áo của các bé luôn trong tình trạng cũ, dơ. Tay chân không bao giờ sạch. Chân không mang dép và đầu không đội nón. Nhiều bé không mặc quần hoặc không mặc cả áo. Bé có thể tự ở nhà từ 1-2 tuổi. Ban ngày cha mẹ sẽ đi rẫy, các bé sẽ tự dậy, tự nấu ăn, tự ăn, tự chơi, tự ngủ, tự làm mọi thứ. Đứa lớn hơn chăm đứa bé hơn. Chúng chơi chung với nhau, bằng những trò rất đơn giản.
Các bé không có trường để đến, cũng không biết có thích đến trường hay không, không biết chữ và cả không nhiều đứa hiểu tiếng Việt, nhưng sống hoà vào thiên nhiên và rất khoẻ mạnh. Có thể vì chân luôn chạm vào đất mẹ, nên sức mạnh luôn được tiếp thêm, luôn được kết nối và chở che.
Lớn lên tí sẽ đi làm rẫy với cha mẹ, lớn thêm tí nữa rồi sẽ lập gia đình. Bé chở tôi vào làng mới 17 tuổi, đã bỏ học và đang là trụ cột gia đình. Bé đang trồng 6,000 cây cà phê và đang gánh vác cho số nợ của gia đình. Cái khí hậu vùng cao và những nặng nhọc luôn làm cho mọi người ở đây trông già hơn tuổi.
– Chị từ đâu đến?
– Chị từ Sài Gòn
– Em đã từng ở Sài Gòn vài tháng
– Sao lại về quê?
– Ba mất. Em phải nuôi gia đình
– Em có thích Sài Gòn không?
– Mới lên một ngày mà nhớ quê lắm. Ở đây muốn đi đâu cũng được, tự do với núi rừng. Ở trên đấy đi làm cả ngày cả đêm. Buồn lắm. Nhớ nhà lắm. Không ăn nổi.
Sự đối đãi với mọi người đều đầy tình cảm, chỉ có đầy hơn chứ không có ít hơn. Tôi cảm nhận được sâu sắc bầu không khí hân hoan mà tôi biết rằng đó không phải là do dựng nên hay bởi vì tôi là người phương xa đến.
Chúng tôi được thiết đãi thịt gà và những món ngon nhất. Thịt gà là món mà người dân chỉ đãi khách quý chứ rất ít khi tự đãi chính mình.
Chúng tôi được cho rất nhiều thức quà quý. Đó có thể là một chậu lan gốc to vật, hoặc một cái cây thuốc, hoặc một buồng chuối chín bói, hoặc hai cây chuối bắc thơm ngọt chua như xoài cát, hoặc hai giò lan đang ra hoa rực rỡ nhất, hoặc gia vị đặc biệt, hoặc chiếc túi quý giá chỉ dùng cho các dịp đặc biệt trong gia đình, hoặc hòn đá tròn to như trứng khủng long hoá thạch,… Quà là để tặng và cái mà họ càng quý họ càng không tiếc khi tặng bạn bè phương xa.
Chỗ ăn chỗ ngủ được chuẩn bị sạch sẽ và tinh tươm. Tôi đã lên sẵn kịch bản phải ngủ ở nơi tối nhất và vệ sinh trong điều kiện khó chịu nhất, nhưng tôi đã được trải nghiệm một chuyến đi khoẻ ru, ăn ngon ngủ khoẻ và cười đau hàm.
Trước ngày đoàn chúng tôi lên, trời đổ một cơn mưa. Đường vào làng vì vậy mà ít bụi hẳn. Trời nắng, sương mù tí, đường đi khô ráo và có thể ngắm cảnh suốt chặng đường.
Mùa này cây xanh rất xanh, cà phê trắng xoá bông, hoa sim tím tái cả con đường. Ban đầu quá sợ cung đường mà tôi chỉ dám nhìn thẳng đường đi, hai chân trụ cứng với đồ gác chân và bám riết hai tay vào xe. Về sau, khi đã hoà mình vào cung đường đất đỏ lên lên xuống xuống quanh co vòng vèo, thì tôi cũng đã bắt đầu cho các giác quan của mình hoạt động. Tôi nhìn thấy thung lũng, thấy núi cao, nhìn con suối mà chúng tôi chạy qua, nhìn nắng chiếu qua hàng cây, ngửi không khí núi rừng, ngửi hương thơm từ hoa cà phê, nghe tiếng chim hót, suối chảy, rừng reo, thật quá sống động.
Tôi đã ngắm rất nhiều bầu trời xanh, nhiều đồi núi, nhiều con suối, nhiều cánh đồng hoa,… nhưng mỗi lần là mỗi khác, dù ở cùng một địa điểm. Dù có điều gì đang xảy ra với tôi, khiến tôi không động tâm nhìn ngắm khung cảnh, thì nó vẫn đẹp như vậy, nắng hay mưa. Dù lòng có bối rối bời rời thì trời vẫn ưu đãi cảnh đẹp đó.
Xem thêm chi tiết chuyến đi ở đây:
Và bài viết của em bé Thảo Nguyên – người kết nối và người giúp cho chuyến đi này hoàn thành tốt đẹp:
Copyright 2024 © Kiều Hải Yến