Phương pháp giáo dục Reggio Emilia của mẹ

Tối nay, có thời gian đọc quyển Phương pháp giáo dục của Reggio Emilia thì mới thấy sự tương đồng của phương pháp này với môi trường mình đã sống và cách mà mẹ mình đã dạy mình. 

Phương pháp này nhấn mạnh sự tự do, sáng tạo và trách nhiệm trong việc học, tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Một cách tình cờ mà mình đã được tắm trong phương pháp giáo dục tương đồng một cách đáng ngạc nhiên dù không được gọi tên như vầy.

1. Trẻ em là trung tâm

Trẻ em được xem như là những người học chủ động, có khả năng tự khám phá và xây dựng kiến thức của riêng mình.

Mẹ là một thợ may bận rộn và cha ở xa bỗng dưng biến việc học và chơi của mình trở thành một điều độc lập càng nhiều càng tốt. Mình tự do khám phá và học những gì mình thích, theo cách của mình. Với sự gợi mở của mẹ.

Mẹ dạy mình làm toán, học viết, tập đọc và vẽ từ rất rất sớm. Không có tiền mua bảng, mẹ sơn miếng gỗ nhỏ và kẻ ô cho mình tập viết. Cái bảng đó nhỏ thôi nhưng với một đứa trẻ thì nó thật quá là mênh mông và phong phú. Mình có thể vẽ, viết mãi mà không hết bảng. Trên chiếc bảng gồ ghề màu xanh lá cây nhạt nhạt và những dòng kẻ sâu hoắm đã là nơi ra đời biết bao tác phẩm hội hoạ, văn thơ và bài toán của mình.

Rồi mẹ còn mua giấy gói bánh mì, loại giấy màu xám xám, mua từng xấp từng xấp cho mình vẽ. Rồi khâu lại thành quyển. Nhớ lại hồi xưa, mình vẽ rất nhiều, vẽ tay phải và tay trái, có khi còn dùng chân để vẽ, có khi còn nhắm mắt để vẽ, có khi vẽ cả ra nền nhà. Mình tô màu rất nhiều, màu nước, màu sáp, bút lông, cả phấn màu nữa. Tại sao mẹ không giữ tác phẩm của mình để bán đấu giá ta? Vậy mà từ lúc dậy thì mình lại ước ao thành dân anh chị mà bỏ bê giấc mơ thành hoạ sĩ =)) 

Mẹ không can thiệp nhiều vào việc học của mình. Mình tự đi học từ mẫu giáo. Trời mưa thì tự đu theo những đứa có mẹ rước, những đứa có che hoặc mặc áo mưa dù để về. Mình sẽ đi ké kế bên. Có khi mủi lòng và khóc dưới mưa nhưng mà mẹ thì bận và mình cũng không biết giận lâu.

Mình có thể tự làm bài rồi ăn cơm, hoặc ăn cơm rồi mới học, hoặc không học cũng chẳng bị nói gì. Mình thích học môn nào nhiều hơn thì ngồi cả tiếng để học, có khi học trước mấy bài. Môn nào lười thì ngàn năm không đụng. Mình có tật những môn nào không thích thì mình dồn vào viết chung một quyển tập thôi và cứ nhét sẵn trong cặp không bao giờ lấy ra, không quan tâm thời khoá biểu có môn nào trong những môn không mê, cũng không sợ quên mang tâp. Những môn nào thích mình sẽ mua tập 200 trang để viết, có khi làm tràn lan không liên quan đến bài vẫn làm.

2. Môi trường học tập

Môi trường được thiết kế cẩn thận để kích thích sự tò mò và sáng tạo của trẻ. Không gian học tập thường được trang trí với nhiều màu sắc và vật liệu phong phú.

Môi trường của mình rất gần với thiên nhiên, nghĩa là vô cùng phong phú và sắc màu. Trước nhà là sân đất, giun dế kiến vô số, tha hồ ngắm nghía bọn nó. Trước sân và sau nhà có rất nhiều cây, cây nào mình cũng leo, không bao giờ thấy mình ngồi yên. Trước nữa là một cái mương, nơi mình quan sát rất nhiều sinh vật trong đó, từ ếch nhái, cá lòng tong đến nòng nọc, từ con cua đến con cá lóc nhưng cá lóc thì chỉ khi mưa to mới có thôi. Từ rau nhút đến rau dừa. Từ lục bình đến cây cà phổi, giàn đậu biếc đến cây đu đủ. Đây chính là môi trường đầy màu sắc mà mình đã được nuôi dưỡng. Lúc nhỏ mình rất thích cây cối, toàn bộ cây cỏ xung quanh mình đều biết tên, còn vẽ vào quyển sổ nhỏ những loại mới lạ mà mình “khám phá” được. Hồi đi học đại học mình có tự tin nói là hầu như toàn bộ cây trên đời mình đều biết =)) và quả có lần, chơi một trò chơi là gặp cây nào nói tên cây đó trong một lần đi chơi bên cồn ở Cần Thơ thì mình biết chính xác 100%.

Mẹ mình có một tủ sách truyện cho mướn, (hồi xưa cho mướn cũng nhiều tiền đó :v) mình được bồi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ. Mẹ mình dạy mình tập đọc những chữ to trong tờ báo. Rồi khi biết nhiều chữ hơn, thì chuyển qua đọc truyện tranh. Rồi tiểu thuyết, rồi sách. Vốn từ vững từ tiểu thuyết và sách báo đã giúp mình rất nhiều trong môn văn trong trường và môn viết đến tận bây giờ. 

Mẹ không mua đồ chơi cho mình, nhưng mua nhiều giấy màu, đất nặn cho mình. Mẹ thực sự hiểu điều gì giúp ích cho một đứa trẻ. Mình cũng không thích đồ chơi hoặc muốn có nhiều đồ chơi. Mình có một con búp bê rất cũ và mình may rất nhiều đồ xinh đẹp cho em ấy (dù vậy thì em mình may đẹp hơn và sáng tạo hơn nhiều keke). Mình có một bộ lắp ghép và mình đã chơi cho tới khi mất hết ốc vít :v

Mình không có một chiếc bàn học cố định cho đến khi mình học đâu đó lớp 6. Trước đó thì mình ngồi ở mọi nơi mình thích. Dưới đất, trên bộ ngựa, trên máy may của mẹ, trên bàn cắt quần áo, trên võng và thậm chí trên cây. Một chỗ ngồi cố định cũng hay nhưng những chiếc bàn học ngẫu hứng đó cũng truyền rất nhiều góc nhìn và sự sáng tạo cho một đứa trẻ. 

3. Giáo viên như người hướng dẫn

Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích trẻ khám phá. Họ quan sát và lắng nghe để hiểu nhu cầu và sở thích của trẻ.

Rất may mắn là những năm mẫu giáo của mình đều được thầy cô có tâm giảng dạy. Mình múa, hát, vẽ, làm thơ, làm MC, đi thi hầu hết các cuộc thi là nhờ sự động viên và … đưa đi thi của các thầy cô. Mình còn nhớ rất rõ những bài hát cô dạy, những bài múa, những câu chuyện được kể… chúng sinh động và vui nhộn, chúng dễ nhớ và ý nghĩa. 

Lúc học mẫu giáo mình có tham gia thi vẽ. Không nhớ đề bài là gì nhưng mình chỉ vẽ một hình tròn to thật to màu cam ở giữa tờ giấy thi. Cô giám khảo hỏi thuyết trình về bài thi vẽ ông mặt trời của em đi thì mình nói mình vẽ trái cam. Cô hỏi sao không có cuốn thì mình nói cam chín lắm rồi nên rụng hết cuốn =)) xong được giải nhất :3 

Mẹ mình may đồ cho các cô ở trường, và gửi gắm mình cho các cô. Mối liên hệ giữa mẹ và các cô rất bền chặt mà lúc đó mình không biết, và nghĩ mẹ chỉ biết có công việc mà không quan tâm mình. Các cô thường xuyên cập nhật những thay đổi của mình trong lớp học và khuyến khích mẹ cho mình tham gia các cuộc thi để phát huy năng lực.

Đến nay, mình vẫn còn liên lạc với vài cô giáo đã dạy mình 2 năm mẫu giáo. Đủ thấy giáo viên đã dạy mình luôn quan tâm, dõi theo từng bạn nhỏ mà cô đã dạy dỗ.

4. Học thông qua dự án

Phương pháp này khuyến khích trẻ tham gia vào các dự án học tập dài hạn, cho phép trẻ nghiên cứu sâu về một chủ đề cụ thể.

Cái này thì ngoài học ở trường thì còn nhiều dự án do mình tự nghĩ ra. Dự án ở trưởng thì lên cấp 1 mình mới làm nhiều như nấu ăn, cắt tỉa, may vá, cắt dán, xé dán, lắp ráp mô hình (giống lego á mà bộ lắp ghép nó cơ bản hơn, có ròng rọc và ốc vít để làm mô hình cần cẩu các thứ…) … Mẹ hầu như không làm giúp mình như những đứa bạn mình đâu. Dù xấu dù đẹp thì cũng tự tay hết.

Mình tự nghĩ ra nhiều dự án lắm, nào là vẽ truyện tranh, sáng tác bài hát, sáng tác thơ theo hình (ví dụ hình tam giác, hình bình hành… thì thơ sẽ làm sao cho các câu đúng vào cái hình đó, lúc nhỏ mình nghĩ vậy là rất cao cấp và cao siêu đấy :v)

Nhiều người ngạc nhiên sao một số đứa trẻ còn bé tí mà đã làm được nhiều việc thì thật ra trẻ em hồi xưa, đặc biệt là ở quê, làm được nhiều lắm. 

3 mục còn lại thì không liên quan lắm nên mình không đưa vào. Đó là:

Mình phải viết bài này ngay vì mình tìm thấy tất cả những gì mà một phương pháp giáo dục của Ý đưa vào để giúp tạo nền tảng cho một đứa trẻ thì mình đã có hết khi còn là một đứa trẻ, ở quê nghèo. Nghĩa là mình sẽ có đủ khả năng và kinh nghiệm, trong kí ức của mình và cả đứa trẻ đã trưởng thành bên trong mình, để dạy con mình. Thật biết ơn! 

Các bài viết khác:

Like fanpage để cập nhật khi có bài mới


This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Copyright 2024 © Kiều Hải Yến