Khổng Tử: ba mươi tuổi có thể tự lập

Khổng Tử nói (bản dịch): “Ta mười lăm tuổi lập chí học hành; ba mươi tuổi có thể tự lập; bốn mươi tuổi có thể không bị mê hoặc (bởi sự vật hoàn cảnh khách quan); năm mươi tuổi hiểu được mệnh trời; sáu mươi tuổi có thể nghe mọi điều đều thấy thuận tai; bảy mươi tuổi có thể tùy ý làm, nói theo lòng mình mà không vượt quá quy củ.”

Tôi đã sang những năm đầu của tuổi ba mươi, tuổi của sự tự lập. Những điểm chuyển tiếp giữa các giai đoạn của cuộc đời giúp ta nhận ra nhiều điều. Ba mươi tuổi, tôi lập gia đình. Năm nay, ba mươi mốt tuổi, tôi an cư.

Hai năm đầu tiên của tuổi ba mươi cũng là hai năm thấy rõ ràng sự thay đổi của bản thân. Một giai đoạn 10 năm của tuổi trẻ, lăn lộn và bị nhào nặn, ham chơi, chúi đầu vào làm nhưng không có tư duy lớn, chưa biết cách chăm sóc bản thân từ tâm trí, tinh thần đến cơ thể, chưa quý trọng những điều đáng ra nên xếp lên phía trên. Vừa bước sang năm ba mươi, như một cuộc lột xác, một con người mới. Ba mươi, độc lập hơn trong mọi mặt, từ làm chủ tâm trí đến thấu hiểu cảm xúc. Từ hiểu rõ mình muốn gì, những điều gì là ảo ảnh đến những quyết định được hình thành không phải do bốc đồng, nóng vội hay tự cao tự ái. Biết chịu trách nhiệm với suy nghĩ, hành động và lời nói của mình. Biết khi sai khi đúng. Biết khi nên nói khi nên quan sát. Biết nơi nào thuộc về và nơi nào không còn phù hợp.

Tự lập. Không còn ai đốc thúc mình ngoài bản thân mình. Tôi có thể nằm dài, và cũng có thể tập thể dục. Tôi có thể mơ nhỏ, và cũng có thể có định hướng lớn lao. Tự mình chọn lấy con đường cho mình. Và để kết quả phản ánh những lựa chọn đó.

Ba mươi tuổi: lập gia đình

Năm 2022, tôi lấy chồng. Một quyết định sau 10 năm đầy yêu thương và cũng đầy sóng gió bên nhau. Đặc biệt là chấp nhận quay lại sau lần đổ vỡ cách đó một năm, có thể là điều hi hữu nhất từ trước đến nay tôi đã làm.

Tôi biết mình có nhiều can đảm, và trên hết là tình yêu lớn, mới có thể quyết định như vậy. Cuộc sống của tôi trước và sau khi kết hôn nhìn bề ngoài không có nhiều thay đổi, nhưng bên trong là một mảnh đất màu mỡ đã nảy những mầm xanh ươm.

Chúng tôi dọn sang Thảo Điền, bắt đầu những tháng ngày tăng tiến về năng lượng. Chúng tôi chạy bộ, ngủ sớm dậy sớm, nấu ăn đều đặn, lượn mọi ngõ ngách và thực sự hoà vào nhịp sống ở đây. Chúng tôi cảm nhận tình cảm dành cho nhau và tình cảm mình dành cho chính bản thân mình. Yêu quý bản thân mình, yêu quý những thiếu sót của mình, dễ cảm thông hơn với những điều bất như ý, dễ bật cười hơn tức giận với những phản ứng ngô nghê của người kia.

View đi bộ mỗi sáng đẹp như này
Yên bình như vầy
Lại như một góc Hội An như này
Trong lành
Tôi rất thích hoa và lá rơi trong nắng sớm
Đi bộ xong tôi sẽ ghé mua đồ ăn sáng ngẫu nhiên, khi xôi, khi bánh mì, khi bánh cuốn…

Chồng tôi thay đổi nhiều, trong tư duy, hành động và cả tình cảm dành cho tôi. Một người chậm chịu học nhưng khi đã học thì lại học nhanh.

Một năm ở Thảo Điền là một năm tôi hay nói là năng lượng và tỉnh thức cao hơn 10 năm trước cộng lại. Công việc chưa lúc nào nguôi những khó khăn, nhưng tâm thế thay đổi, hướng giải quyết cũng thay đổi, và tôi hài lòng với sự trưởng thành này của chính mình.

Ngắm nhìn mỗi ngày mà vẫn không đủ

Tôi có thêm gia đình để yêu thương và được yêu thương. Chúng tôi về nhà thường xuyên hơn. Có quê để về cũng là một điều hay. Ba mươi tuổi nhưng lúc nào cũng như đứa trẻ, khi trở về nhà.

Cảm nhận sâu sắc tình cảm gia đình
Mỗi lần về nhà là những món mình thích lúc nào cũng sẵn
Mẹ chồng tôi giặt ủi và xếp đồ phẳng phiu cho tôi
Về quê nhiều hơn, chúng tôi hay đi vào sáng sớm, đón rất nhiều bình minh
Những cảnh đẹp mà xưa chỉ đi du lịch mới ngắm, nay dễ thấy trên đường về quê
Con Ki rất hiền và dễ thương
Gà hấp rượu, miến gà – món ruột của chồng tôi
Chill mỗi khi về nhà

Căn phòng chúng tôi ở nhìn xuống mặt đường, có nhiều cây xanh, và một ngôi nhà màu hồng ở trong tầm mắt phía đường đối diện. Khung cảnh thanh bình ngày cũng như đêm, đã được lưu trữ không biết bao nhiêu tấm trong điện thoại tôi. Chúng tôi may mắn có được người chủ nhà tốt bụng, nhẹ nhàng, giàu kinh nghiệm. Tôi đã tham vấn anh trong nhiều vấn đề, ngay cả việc mua nhà sau này, và nhờ vậy, chúng tôi có được căn nhà đầu tiên, với sự hài lòng gần như tuyệt đối.

Anh khuyên chúng tôi khi có điều kiện thì hãy quay lại Thảo Điền. Anh đã ở qua hầu hết các quận ở Sài Gòn, từ chung cư đến nhà hẻm, từ biệt thự cho đến nhà phố. Anh hay nói: “em thấy không, người ở đây đẹp, nhà đẹp, xe đẹp, chạy bộ cũng đẹp, dắt chó đi dạo cũng đẹp”. Tôi hiểu ý anh không phải chỉ nói về vẻ bề ngoài, mà còn luồng năng lượng từ nơi này mang lại.

Ba mươi mốt tuổi: an cư

Đầu năm 2023, chồng tôi mong muốn có một ngôi nhà cho riêng mình. Tôi đã định để dành thêm ít nhiều nữa rồi mới quyết định. Nhưng cơ hội đến sớm hơn. Chúng tôi đã dọn vào nhà mới từ tháng năm, vào dịp sinh nhật 35 tuổi của anh.

Lần đầu mua nhà
Những tấm hình chụp ngôi nhà đầu tiên
Chính thức dọn sang nhà mới
Tạm biệt ngôi nhà nhiều năng lượng ở Thảo Điền
Làm nội thất
Sơn nhà
Sơn cửa
Buổi tối tay chân rụng rời sau khi dọn vào nhà mới
View làm việc mới
Đường đi làm mới
Đường đi làm mới
Ánh nắng sáng ngập tràn
Mỗi sáng
Cây Thảo Nguyên tặng
Nấu những bữa đầu tiên trong nhà mới
Chồng tôi lại chăm chỉ trang trí thêm này kia
Buổi sáng đầu tiên ở nhà mới
Ánh sáng tự nhiên tràn ngập
Những ngày mưa
Chồng tôi có chỗ skincare :v
Chăm chút từng góc nho nhỏ

Ngôi nhà này anh tự quyết định hầu hết mọi thứ, rất khác với chúng tôi trước nay (tôi hầu như quyết định mọi thứ vì anh chỉ có mỗi công việc). Lúc này tôi vẫn còn ngợ ngợ, như việc dọn vào căn nhà này, chưa khác gì việc ở một căn nhà thuê trước đó. Sau hơn một tháng, tôi mới bắt đầu thấy quen thuộc và yêu ngôi nhà này, mới biết là à thì ra mình không còn đi ở thuê như mười năm qua nữa.

Gia đình lên thăm
Có dịp đưa gia đình đi ăn

Và khi tôi có địa chỉ thường trú ở đây, tôi mới hoàn toàn hiểu là tôi đã chính thức trở thành một người Sài Gòn rồi này.

Với định nghĩa công dân toàn cầu của “anh Phan” – Phan Văn Trường thì không phải cũng là công dân toàn cầu khi có nhiều quốc tịch, nói nhiều ngôn ngữ hay bay qua bay lại nhiều như cơm bữa. Cũng không phải ai chỉ có một quốc tịch, một công việc cơ bản cũng không phải là công dân toàn cầu. Suốt nhiều năm qua, tôi vẫn luôn biết mình là người Sài Gòn, nhưng nay, là một lời khẳng định, nghĩ cũng thật vui.

Chúng tôi giữ cho ngôi nhà ở mức cơ bản nhất có thể và trống trải nhất có thể. Chúng tôi giữ cho ngôi nhà chỉ đủ vật dụng cần thiết, và có không gian hơn cho việc “thở” và “sống”. Mọi thứ đều vừa đủ, không thừa, không cố.

Có nhà rồi, chúng tôi chăm chút cho không gian sống của mình, cho tổ ấm của mình. Chúng tôi bớt “đi ra ngoài” mà tập trung phát triển “bên trong”. Nơi chúng tôi ở tạo điều kiện cho việc phát triển thế giới bên trong. Một chung cư yên tĩnh, thanh bình và nhiều năng lượng. Chúng tôi chưa nghe ai than phiền và cũng chưa bắt gặp một tình huống khó xử nào từ khi dọn qua đây. Chúng tôi còn được hoà mình vào năng lượng của … rất nhiều đứa trẻ ở đây. Chúng năng động, lễ phép, đáng yêu và cũng rất tinh nghịch. Một tập thể đồng chất đồng màu.

Môi trường sống thực sự rất quan trọng. Anh chủ nhà ở Thảo Điền cũng đã nói, hãy chọn một nơi mà mình cảm thấy thoải mái nhất. Ngày xưa, anh ở quận 4, hàng xóm nháo nhào, nhiều tệ nạn, vứt rác, tiêm chích, rượu chè, đánh lộn, con cái cha mẹ tranh chấp… anh đã nghĩ, họ sẽ không bao giờ thay đổi, người thay đổi phải là mình. Sau đó anh bán nhà và qua quận 2 từ đó. Lúc này Thảo Điền vẫn còn hoang sơ.

Sáng nay, chồng tôi hỏi: nếu anh lỡ quyết định mua nhà mà căn nhà nó không được như ý, chúng ta gặp nhiều vấn đề với nơi ở mới này thì sao? Tôi nói: vậy thì mình sẽ bán nhà và dọn đi chỗ khác.

Ba mươi hai tuổi: làm mẹ

Tôi sẽ trở thành mẹ, khi sang tuổi ba mươi hai. Ngôi nhà đến đúng thời điểm, và đứa bé này cũng đã đến đúng thời điểm. Khi tôi chín chắn hơn, sẵn sàng hơn có nhiều thời gian hơn (không phải vì công việc nhẹ nhàng đi, mà vì bản thân đã có khả năng sắp xếp tốt hơn).

Tôi quan điểm về vai trò cha mẹ và con cái là chúng thông qua chúng tôi (giống như một trạm trung chuyển) để đến với thế giới này, để hoàn thành những sứ mệnh và bài học của cuộc đời chúng. Tôi luôn giữ quan điểm này, để mọi tình yêu thương và cách nuôi dạy sẽ không tạo rào cản cho chúng phát triển cuộc đời của chúng theo cách của chúng. Chúng tôi không lớn hơn, có quyền hơn chúng, mà còn sẽ được học nhiều bài học hơn, khi bên cạnh chúng, chăm sóc, yêu thương, dạy bảo và nhìn chúng trưởng thành.

Tôi hay hỏi chồng tôi: anh sắp làm ba rồi đó, anh có sẵn sàng chưa? Anh có làm được không? Thì anh trả lời rất quả quyết là anh đã chuẩn bị để làm một người ba yêu thương con nhất.

Khoảng thời gian này, chúng tôi hay nhớ lại thời thơ ấu, những kỉ niệm với ba mẹ của mình. Chúng tôi nhớ tình yêu thương của ba mẹ dành cho mình như thế nào, chúng tôi đã được dạy dỗ như thế nào và ba mẹ đã cho chúng tôi không gian để phát triển tự do như thế nào. Khi trở thành ba mẹ, chắc là ai cũng sẽ yêu ba mẹ mình nhiều hơn.

Chị bạn của tôi nói là, khi trở thành mẹ, em hãy chuẩn bị sẵn tâm lý, mọi thứ sẽ không bao giờ quay về như cũ. Em có sẵn lòng đặt sự nghiệp ở bên cạnh chứ không phải ưu tiên nhất như em đã dành 10 năm qua không? Em có sẵn lòng lùi lại trên con đường sự nghiệp tối thiểu là năm năm để yêu thương và nuôi dạy con cái không? Cuộc sống đến đoạn biến chuyển, chúng sẽ không bao giờ quay lại như trước nữa, đó là điều chắc chắn. Nhưng những thay đổi mới đến, cũng là cái phải đến. Tôi đang sắp xếp công việc để tôi có thể điều hành nhẹ nhàng hơn nhưng năng suất hơn. Biết đâu, khi tôi bước sang bên cạnh một bước, đứng xa hơn để nhìn Vân Tay Media phát triển, thì doanh nghiệp lại phát triển tốt hơn. Biết đâu, chính tôi cũng là một cái trần đang rất thấp, mà cơ hội phát triển của Vân Tay thì cần những nhân tố mới, những chiếc trần xịn sò mới. Đây là cơ hội.

Các bài viết khác:

Like fanpage để cập nhật khi có bài mới


This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Copyright 2024 © Kiều Hải Yến