Quan sát thấy những người xung quanh mình, đặc biệt là các cộng sự của mình, lúc nào lý do cho những việc chưa hoàn thành cũng là “chưa có thời gian, đang còn nhiều việc”, tôi chợt nhận ra đây cũng là một trong những lý do chính khiến cho mọi người có vẻ bận rộn nhưng lại không thu lại nhiều kết quả trong một giai đoạn dài.
Lười biếng trong một vỏ bọc của sự siêng năng có thể là trạng thái mà bạn đang có ngay lúc này hoặc đã một thời gian dài mà chính bạn chưa kịp nhận ra.
Lười biếng trong vỏ bọc của sự siêng năng có thể được nhận ra bằng các công thức hoặc tình huống dưới đây.
Tôi đang bận sấp mặt và tôi không có thời gian để hoàn thành tất cả mọi việc được giao hoặc thậm chí cả bản thân tôi đề ra.
Nhưng khoảng cách giữa làm việc này và việc kia chỉ có thể giúp bạn phát triển khi bạn nhìn được đâu là việc quan trọng và sức ảnh hưởng của những việc quan trọng đó đối với sự phát triển của bạn hay đối với tổ chức.
Không nhiều khi mà một việc nào đó lại được nhắc nhở lặp đi lặp lại mà nó không quan trọng.
Hãy bỏ thời gian để planning trước khi nhảy vào làm bất kì việc gì và hãy thực sự tập trung để có thể hoàn thành những việc có giá trị cao thay vì quanh quẩn với các công việc tốn thời gian nhưng ít giá trị.
Bạn luôn đi sớm về muộn, bạn lúc nào cũng làm việc và trong đầu chỉ có công việc. Bạn luôn cho rằng mình là người siêng năng nhưng lại không được đồng nghiệp hay sếp công nhận.
Sự siêng năng đó có thể đang đặt không đúng chỗ, chưa đúng kỳ vọng của mọi người về output. Output vẫn luôn quan trọng hơn thời gian bỏ ra. Hãy nâng cao bản thân để ít bận rộn hơn và hiệu suất hơn.
Nhiều người bị nhầm tưởng giữa bận rộn và hiệu quả. Thực sự hai cụm này chưa chắc song hành với nhau. Rất nhiều nhân sự và đồng nghiệp ở công ty tôi thời gian làm việc rất ít nhưng kết quả trả về lại cao. Và ngược lại.
Hãy chú tâm vào hiệu suất và kết quả công việc. Hãy cố gắng cải thiện hiệu suất thay vì cố gắng làm nhiều hơn, tỏ ra bận rộn hơn. Một người lúc nào cũng bận rộn sẽ không được chia nhiều cơ hội, nhiều dự án mới, nhiều cái để thử sức, và chính nhờ những cái đó, mới giúp bạn phát triển và được tin tưởng.
Sự thiếu tập trung và lúc nào cũng mong muốn giải quyết công việc làm cho bạn mệt mỏi và rối bời. Bạn luôn trong tình huống lúc nào cũng phải xử lý việc gì đó, nhưng cuối cùng lại không xử lý được mấy. Tâm trí bạn giống như con khỉ chuyền từ cành này sang cành khác và không thể tập trung để làm cho xong từng việc.
Cứ mỗi khi có người réo thì bạn lại bỏ sang để xem có biến gì để xử lý, và công việc đang làm thì dang dở, khi quay lại, bạn lại tốn một khoảng thời gian để thích nghi và tập trung làm việc. Một sự loay hoay, nhìn bề ngoài thì bận rộn, nhưng lại không mang về nhiều kết quả.
Siêng năng và lười biếng sai chỗ sẽ ảnh hưởng tới khả năng thăng tiến của bạn và khả năng đạt các mục tiêu trong cuộc sống của bạn trong thời gian dài.
Không có động lực để làm điều gì đó nhưng cũng không can đảm nhìn nhận như mình chưa tạo ra giá trị nên cố bám đuổi những công việc tay chân, hoặc các nhóm việc không cần dùng đầu óc, và tốn thời gian. Hoặc cố gắng o bế từng việc mình làm, mong rằng nó sẽ hoàn hảo và được công nhận.
Thiếu động lực cũng có thể đến từ việc bạn không có mục tiêu cụ thể, không biết khi nào cần đạt cái gì, khi nào đạt và khi nào không đạt, nên không cần phấn đấu.
Thiếu động lực do chưa làm đúng vai trò và tiềm năng của mình, chưa được nhìn nhận và công nhận đúng cách.
Thiếu động lực cũng có thể do hệ thống niềm tin. Không tin rằng mình có thể làm được những việc lớn lao hơn (hoặc ngược lại, tin rằng việc mình đang làm là rất quan trọng và hiệu quả nên không cần thay đổi).
Nguyên nhân này xuất phát từ sức khoẻ và tinh thần của bạn. Bạn không đủ tỉnh táo và năng lượng để xử lý công việc, nên bạn làm việc trong sự thiếu tập trung, uể oải và hiệu suất kém.
Bạn cần thay đổi thói quen sinh hoạt, tư duy cần rộng mở hơn và phải có sự chú tâm tối đa vào từng công việc mình làm.
Năng lượng này như ngọn lửa ở bên trong bạn, nếu thiếu lửa, bạn không làm được việc gì ra hồn cả. Nếu bạn không chăm chút cho ngọn lửa này, khi nó đã tắt, thì rất khó để thắp lại.
Khi nhận ra mình thiếu hụt năng lượng, nên tìm giải pháp bù đắp, tái tạo năng lượng rồi hãy tiếp tục làm việc. Khi tỉnh táo và tràn đầy sức sống, bạn có thể giảm gấp đôi hoặc gấp ba thời gian để xử lý một việc, so sánh với việc bạn xử lý việc đó trong tình trạng thiếu sức sống.
Khi thiếu kỹ năng, bạn sẽ không có cách để giải quyết tình huống / công việc một cách trọn vẹn. Bạn sẽ trở nên lười khi đụng phải vấn đề đó và có tâm lý né tránh.
Để việc thiếu kỹ năng không phải là trở ngại trong công việc, hãy xác định một lộ trình học tập theo thứ tự ưu tiên và tham khảo thêm những người giỏi kỹ năng đó, quan sát cách họ ra quyết định hoặc áp dụng vào công việc.
Không có một thứ tự ưu tiên trong danh sách 100 việc cần phải hoàn thành, bạn lạc lối và muốn trì hoãn để khỏi phải làm những việc không “quen thuộc”. Phải tìm hiểu lại, phải tìm cách, phải thực hiện và phải báo cáo làm bạn mệt mỏi, bạn không muốn phải trải qua những bước đó cho những việc mới mẻ từ đầu.
Trì hoãn cũng có thể đến khi bạn cảm thấy bạn phải hoàn thành việc đó 100% hoàn hảo thì bạn mới làm, chính vì lý do này mà bạn không có setup được thời gian để làm việc đó.
Tâm lý này cũng có thể đến do tính cách của bạn, khi phân bổ thời gian, bạn phải dành hẳn nửa ngày hay một ngày để có thể ngồi xuống, tịnh tâm và bắt tay vào công việc. Nhưng bạn không có nửa ngày đó, nên bạn cứ nấn ná chờ đợi hết ngày này qua ngày nọ và không muốn tìm cách giải quyết.
Bạn trì hoãn cho đến khi không còn cơ hội nữa, hoặc mọi thứ đã qua đi.
Đã tới lúc thay đổi
Khi nhận ra điều này, chúng ta cần phải sắp xếp lại, hoán đổi vị trí giữa việc cần siêng năng và việc phải lười. Bạn cần siêng năng đúng nơi và lười biếng đúng chỗ.
Đừng là đứa trẻ đánh mất sự tò mò. Siêng đặt những câu hỏi và những câu hỏi mới để có thể tìm ra cách giải quyết táo bạo, sáng tạo và hiệu quả hơn.
Mỗi câu hỏi luôn dẫn đến câu trả lời khác nhau. Hãy thực hành việc hỏi, để góc nhìn được đa dạng và tổng quát hơn.
Những phương pháp đặt câu hỏi như:
Và còn nhiều cách hỏi nữa, bạn có thể tìm hiểu thêm, dựa vào từng nhóm công việc mà đưa ra hình thức hỏi phù hợp. Siêng hỏi thì sẽ ra nhiều cái rất hay ho.
Trong một bộ phim tôi đã coi – Lift (nói về một nhóm tội phạm chuyên trộm những món đồ giá trị cao bằng những cách sáng tạo không ngờ như trộm NFT, trộm vàng của đại ca khét tiếng), nhân vật chính không tìm cách giải đề bài mà cảnh sát đưa ra, thay vào đó, anh đi tìm những câu hỏi chưa ai hỏi và cách giải chưa ai biết đến.
Anh kể về thời gian còn đi học, trong khi những đứa trẻ chăm chú và ngoan ngoãn tìm cách giải các bài toán mà giáo viên đưa ra, anh luôn nhìn ra cửa sổ và đi tìm những câu hỏi mới, cùng cách làm mới. Sự tò mò và khác biệt này giúp cho anh trở thành một người tài giỏi, dù có ứng dụng nó trong việc trộm đồ (một ứng dụng không thuộc về cái đúng).
Ngày bé, tôi hay thích tìm kiếm nhiều câu trả lời khác nhau cho cùng một đề bài. Khi đã giải xong bằng cách này, tôi tìm cách giải tiếp theo. Lớp 10, trong một kì kiểm tra học kì, tôi đã chọn một cách giải khác so với đáp án của bộ đưa ra. Thoạt đầu, tôi không được điểm, nhưng sau đó, tôi trình bày lại phương án của mình với giáo viên, thì cô chấp nhận đây là một cách làm hoàn toàn mới, ra cùng đáp án và không có lỗi trong logic hay chỉ vu vơ ra đúng đáp án.
Bây giờ cũng vậy. Tôi hay tìm kiếm những cách làm khác nhau. Tôi cũng mong muốn những người đồng nghiệp của mình cũng vậy. Thay vì chỉ hoàn thành những slide template, sao mỗi bài toán không được làm mới bằng những cách khác nhau và làm wow khách hàng theo những flow mới?
Luôn tưới tắm trong dòng sông của tri thức và không ngừng học hỏi. Kiến thức hôm nay của bạn đã là quá khứ và nếu không chủ động tiếp thu những thứ mới mẻ, thì bạn sẽ mau chóng bị thay thế.
Trong phim Dr. Strange, The Ancient One dạy Stephen: “forget everything that you think you know” và “open your eyes”, để anh có thể tiếp cận đến chân trời mới, những thứ mà bằng khoa học, anh không bao giờ có thể lý giải được.
Làm mới mình và thử thách giới hạn của mình một cách liên tục để vượt lên. Hồi còn đi học, tôi chơi bộ môn Taekwondo. Và tham gia giải. Để rèn luyện, tôi phải dậy sớm lúc 4 giờ, mặc võ phục, đi đến trường, trèo qua cổng rào, khởi động và bắt đầu luyện tập, mỗi ngày đều đặn, 1 giờ đồng hồ. Trong vòng 2 tháng, kỹ năng của tôi thay đổi rõ rệt, cùng một cú đá hoặc đứng tấn, nhưng sư phụ nhìn thấy được sự thay đổi trong đó. Cú đá có uy lực hơn, dứt khoát hơn và đẹp hơn (dù ở thời điểm đó tôi không biết một cú đá đẹp là như thế nào, vì trong đầu tôi đá là đá thôi). Nhờ tập đứng tấn gần 10 năm mà tôi đi đứng, giữ thăng bằng tốt. Cơ thể tôi cũng săn chắc, đặc biệt là phần từ thắt lưng đổ xuống. Nếu tôi không dậy sớm, không leo rào, và không luyện 1 cú đá cả nghìn lần, thì tôi sẽ không bao giờ có thành tích cao trong cuộc thi. Nếu tôi chỉ tập 3-5-7 như mọi người, thì với một người không có năng khiếu như tôi, sẽ không thành công.
Ngày xưa, khi đi học lớp CEO quản trị và khởi nghiệp, thầy Thông (tập đoàn TTT) nói với cả lớp là, chỉ cần 15 phút hỏi thầy Trần Kim Thành (chủ tịch tập đoàn Kinh Đô), là cả con đường kinh doanh phía sau sáng sủa hẳn lên. Bây giờ mọi người có điều kiện được thầy dạy hẳn 2-3 buổi, mỗi buổi 3-4 tiếng mà không biết tận dụng là một điều dở.
Hãy sẵn sàng học hỏi và khi bạn mở lòng ra, người thầy sẽ xuất hiện.
Chúng ta có tâm lý sợ đặt những câu hỏi “ngu” và sợ người khác thấy khuyết điểm của mình và chịu chấp nhận ở lại ở một nấc nào đó mãi mãi.
Một tâm lý khác là người này giỏi nhưng mà nhiều tính cách tôi không thích hoặc chắc gì đã giỏi như thể hiện, nên tôi không thèm gặp, không thèm học.
Những rào cản ngăn cách mình và sự học đa phần đến từ chính bản thân mình. Người giỏi rất thích chia sẻ, và càng chia sẻ họ sẽ càng giỏi. Bạn cũng rất dễ tiếp cận người giỏi. Một chút gặp gỡ có khi giúp con đường sự nghiệp của bạn sang một trang mới hẳn.
Bạn có thể dùng nhiều cách để sắp xếp công việc của mình.
OKR. Hãy search thêm về OKR để hiểu tại sao nhiều người dùng phương pháp này để đo lường và xác định cách đạt mục tiêu. Loại bỏ những việc nhỏ nhặt, râu ria để tập trung vào điều quan trọng. Làm từ lõi làm ra. Hãy quyết định việc nào ảnh hưởng đến kết quả, việc nào giúp bạn hoàn thành mục tiêu.
Hãy đặt 1 WIG (wildly important goal) và tìm cách để đạt goal đó trong một mốc thời gian. Nếu goal đó không đạt, thì không còn goal nào quan trọng nữa.
Đừng cố gắng bày lên bàn làm việc của bạn 100 task và hi vọng bạn có năng lực giải quyết trong 1 ngày hay thậm chí 1 tuần. Nếu 100 task đều ở mức độ ưu tiên thì không còn task nào được ưu tiên nữa.
Tôi tư duy nên tôi tồn tại. Nếu tôi không còn tư duy và chú tâm trong công việc, mỗi việc tôi làm sẽ nhanh chóng bị thay thế. Tôi phải rèn luyện cả trí thông minh cơ bắp và những trí thông minh khác nhau cho công việc.
Nếu một lúc nào đó, bạn phát hiện bạn đang làm như một cái máy, thì tốt nhất nên dừng lại ngay. Nếu việc của bạn có thể để một cái máy làm, hãy để nó làm thay bạn. Nếu bạn có thể nghĩ ra cách để tối ưu hoá cách làm việc và tận dụng những công cụ có sẵn để làm thay bạn, tại sao bạn lại phải làm việc đó rồi cảm thấy kiệt sức?
Và lười viết =)) đến đây thì hết ý rồi. Để bạn tự nghĩ thêm nhé.
À lười viết nên copy bài bạn: Nghệ thuật của việc lười biếng
Bài viết này cũng là một lời nhắc nhở bản thân. Có phải tôi đang ở một vị trí quá lâu và sự di chuyển lại quá chậm chạp? Tôi có đang mở ra nhiều góc nhìn khác nhau không? Tôi có đủ bao quát và có khả năng xử lý tình huống như tôi đang nghĩ? Còn cách nào khác giúp tôi hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra dù hoàn cảnh biến động không?
Copyright 2024 © Kiều Hải Yến