Trở thành người giỏi nhất của chính mình

Mở công ty cho tôi một điều kiện rất thú vị để có thể quan sát mọi người. Trong suốt 9 năm qua, tôi đã làm việc với rất nhiều nhân sự, trực tiếp hoặc gián tiếp, 3 ngày hay 7 năm, gặp mặt hoặc chỉ làm online,… Những trải nghiệm quý giá này giúp cho tôi phần nào hiểu được sự đa dạng và chút gì đó có cảm giác về … con người. Cũng chính vì thế mà trong một giới hạn nào đó tôi có thể giúp người đó trở thành best version của chính họ.

Tôi hay nói rằng, cách bạn làm một việc chính là cách bạn làm mọi việc, và chỉ cần tôi nhìn thấy một người làm một việc dù nó không liên quan gì đến công việc, tôi cũng có thể hiểu được họ sẽ làm việc như thế nào. Nhưng sâu xa hơn, đó là những nhóm tính cách khác nhau cần được đặt để ở những vị trí khác nhau và chỉ tập trung vào điểm mạnh để khai thác cũng như bồi đắp. Bạn luôn có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, khi và chỉ khi bạn muốn. Nhưng từ muốn chỉ là ngưỡng đầu tiên bạn phải vượt qua, như một tấm vé vào trung tâm đào tạo khắc nghiệt.

1. Tự nhận định mình là người thế nào?

Nếu chịu khó quan sát và để tâm vào mọi việc mình làm, bạn sẽ biết được bạn thuộc nhóm người nào.

Khi quan sát đủ nhiều và đủ lâu, vào mọi việc (toàn bộ cuộc sống), bạn sẽ biết bạn vị trí của mình cũng như nhận định được bạn sẽ phát triển tốt ở những nhóm công việc nào (hoặc ngoài công việc). Không có gì là sai trái khi bạn thấy bạn thuộc một nhóm mà không phải nhóm còn lại, hoặc không thuộc cả 2 nhóm, chỉ lơ lửng ở giữa. Lơ lửng cũng là một trạng thái thú vị để phát triển, vì không quá giỏi hay không thuộc về một nhóm giúp bạn có cơ hội cân bằng hoặc cùng phát triển cả hai. Khi là một leader bạn có các tố chất cần thiết và khi bạn là member hay follower bạn cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Khi bạn có tố chất của solo trong teamwork bạn có thể hoàn thành sớm và tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời tố chất teamwork giúp bạn support và ngó nghiêng thành quả cả team mình.

Hiểu mình và luôn chơi ở vai trò tốt nhất để có kết quả tốt hơn

Rất nhiều nhân sự trong công ty có thể vừa thuộc nhóm này vừa thuộc nhóm kia. Ví dụ, leader hướng nội nhưng bước vào một event vẫn có thể “cải trang” thành một người hướng ngoại xuất sắc (dù sau đó về nhà thì mất nhiều thời gian để hồi phục hơn).

Hiểu rõ mình là điều kiện tiên quyết để thành công, trong mọi việc.

2. Người khác nhận định bạn là người thế nào?

Tôi thích và cũng may mắn làm việc với nhiều người, tôi có thể quan sát và đưa ra những nhận định giúp cho nhân sự của mình phát triển tốt hơn (ở khía cạnh mà họ quan tâm).

Tôi nghĩ bạn cũng cần có cho mình một hoặc nhiều người giúp nhận định bản thân bạn, vì người ngoài đôi khi dễ dàng nhìn thấy hơn chính bản thân.

Nhưng làm sao để người khác giúp bạn nhận ra bạn là người thế nào? Hãy cho họ điều kiện để làm điều đó. Hãy đặt câu hỏi. Hoặc hãy tìm mentor cho mình, một người mình đủ tin tưởng, đủ giỏi ở lĩnh vực mà mình đang theo đuổi, đủ gần gũi và chủ động với mình.

Vài năm trước, tôi có mở các buổi mentoring cho nhân sự trong công ty. Mỗi bạn lần lượt đặt lịch hẹn, mỗi buổi 1-2 giờ, cùng trao đổi nhiều chủ đề khác nhau. Từ đó, tôi cũng thấu hiểu hơn tại sao bạn này lại thế này bạn kia lại thế kia. Tôi cũng dần thay đổi scope công việc để phù hợp với khả năng đồng thời thử giúp bạn khai thác tiềm năng mới. Những buổi private này các bạn mở lòng hơn, chịu khó đặt câu hỏi hơn và từ đó nhận được những câu chuyện kinh nghiệm từ phía tôi cùng với sự hướng dẫn. Tôi không thích khuyên, tôi chỉ giúp bạn tự trả lời các khúc mắc trong giai đoạn đó của bạn và bạn sẽ nên tự quyết định hướng đi. Giúp người khác nhìn thấy sự phát triển của họ sau mỗi buổi trò chuyện cũng chính là giúp bản thân mình có thêm góc nhìn, ít phán xét hơn, bổ sung những phần còn khuyết. Vì khi bạn không có gì để chia sẻ, có nghĩa là bạn chưa trải qua, hoặc chưa thấu hiểu, về một vấn đề.

Người khác nhận định về bạn chỉ nên được bạn cân nhắc khi người đó thực sự muốn tốt cho bạn. Những người dám nói thẳng, dám góp ý và dám đồng hành cùng bạn mới là người mà bạn giữ những lời họ nói. Ngược lại, rất nhiều người cho lời khuyên, nhưng họ không có ý tốt với bạn, hoặc họ chỉ nhìn thấy một góc rất thiển cận, thì bạn cũng nên hạn chế tiếp thu.

Có một người cũng được, nhiều người cùng đồng hành cùng bạn cũng được, nhưng số lượng không quan trọng bằng bản thân bạn muốn gì. Sau khi nhận những đánh giá cũng như chia sẻ đó, bạn có quyết định thay đổi hay không!

3. Kết quả trong các nhóm công việc khác nhau khác nhau như thế nào?

Khi đã hiểu rõ bản thân, bạn cần đặt những kì vọng và ưu tiên khác nhau cho từng nhóm công việc khác nhau. Ở tại một thời điểm, kể cả một giai đoạn ngắn, không ai có thể làm và ưu tiên cùng lúc 10 việc.

Bạn tôi thường hỏi tại sao trong một khoảng thời gian ngắn như nhau, cụ thể là 1 tiếng đồng hồ buổi sáng, mà tôi vừa có thể nấu cơm mang đi làm, tập thể dục, học hành, chăm cây, dọn dẹp nhà, ăn sáng, tắm rửa thay đồ mà bạn tôi thì chỉ làm được 2 việc.

Bởi 2 nhóm tính cách và 2 ưu tiên khác nhau giúp cho chúng tôi hoàn thành khối lượng và chất lượng công việc khác nhau trong cùng một khoảng thời gian.

Trong thời gian này, tôi có thể multitasking vừa nấu cơm vừa dọn nhà vừa chăm cây, bởi tôi có khả năng sắp xếp công việc một cách thuần thục và phối hợp nhịp nhàng để: cơm vẫn chín và ngon vừa đủ, cây được tỉa tưới đủ và nhà sạch sẽ. Các việc được hoàn thành, không phải ở mức 100% mà là 80-90%. Bởi tôi không đặt nặng việc nhà có sạch kin kít không hạt bụi hay cơm phải ngon kiểu toàn tâm toàn ý. Tôi ưu tiên những nhóm việc khác nhiều hơn. Giống như bài viết này, tôi cố gắng để đảm bảo: nội dung truyền tải, đúng chính tả nhất có thể, format dễ đọc nhất có thể. Nhưng tôi không cố gắng để bài viết 100% hoàn hảo nhất trước khi publish. Tôi không cố gắng đi tìm chiếc hình ảnh minh hoạ phù hợp nhất hay thay đổi cấu trúc câu cho dễ hiểu nhất. Bởi vì tôi viết cho cá nhân tôi. Nếu trong công việc thì mức độ cẩn trọng sẽ đặt cao hơn.

Nhưng bạn tôi thì khác, bạn tôi sẽ chỉ chú tâm vào mỗi việc, phải hoàn thành đúng chính xác từng ly từng tí, phải có 100% sự tập trung vào việc làm, thì mới thấy thoả mãn. Hai dòng suy nghĩ và hành động này phù hợp với từng mục đích sống khác nhau, không có sai hay đúng, chỉ có hài lòng hay không.

Đặt kỳ vọng và ưu tiên khác nhau kết quả và cách làm sẽ khác nhau

Khi tôi phát hiện ra điều này, cũng đồng nghĩa với nhận ra tôi rất giỏi multitasking và tôi sẽ rất thích hợp với các chủ đề mới mẻ, nhưng lại không phải là người học sâu hay làm việc chi tiết. Tôi cũng từ bỏ một số nhóm việc trong công ty và chuyển giao cho người phù hợp hơn. Khi tôi đứng ngoài và quan sát, tôi có thể thấy nhiều hơn, nghe nhiều hơn, giải quyết đa chiều hơn.

Cũng giống như bạn cúi mặt cấy lúa, bạn chỉ nhìn thấy những cây ở gần. Nhưng khi bạn ngửa mặt lên, tất nhiên hay ngửa mặt thì không thể hoàn thành việc cấy lúa nhanh bằng người luôn cúi mặt, nhưng bạn có thể bao quát được bạn cần bao nhiêu thời gian để cấy, có thể có cách nào tốt hơn là đi đường thẳng không, và có phải bạn đang đi đường thẳng không,… và rồi bạn nên chuyển giao nhóm công việc cấy lúa cho người tập trung cấy lúa nhất mà bạn có, còn bạn thì trở thành người coi sóc xung quanh. Mỗi nhóm công việc đều cần người phù hợp nhất, và để trở thành người phù hợp nhất bạn phải tìm hiểu chính mình đủ lâu và đủ sâu đấy.

Nếu không, bạn vẫn cấy lúa, nhưng thích nhìn trời mây, việc không xong và bạn cũng không hài lòng. Hiệu năng giảm, bạn không được trọng dụng, cũng không biết việc nhìn mây trời đó dẫn đến đâu, hay việc bạn giỏi thực sự là gì. Là một sự lãng phí rất lớn, trong tổ chức, hay trong sự phát triển của chính bạn. Điều này khá gần với ví dụ Con cá leo cây. Nhưng đó là từ bên ngoài, khi không biết bạn là con cá, hay không biết bạn có thể leo cây hay không, người ta buộc phải bắt bạn làm. Về bên trong, bạn cần ngộ ra bạn là con cá chứ không phải con khỉ, và việc bạn làm tốt nhất là bơi, không phải bay, thì bạn sẽ ở đúng môi trường thuộc về bạn.

4. Có rèn luyện thêm được không?

Được. Nhưng câu hỏi là: bạn rèn luyện thêm cho mục đích gì? Mục đích càng rõ ràng thì càng dễ theo đuổi.

Nhiều người chọn làm thật tốt, tốt đến nỗi họ luôn là top of mind khi nhắc đến việc đó. Các khía cạnh còn lại, có thể trung bình, hoặc âm, nhưng họ không quan tâm. Vì có khi sứ mệnh họ đến với cuộc đời không phải để trở thành một người chồng hoàn hảo mà là một chính trị gia xuất sắc. Tôi luôn tin, mỗi kiếp sống, chúng ta có những thứ phải học được, và bằng mọi cách, mọi con đường lại tìm về với nó để học. Có thể đi linh tinh lang tang, rồi cũng sẽ gặp thử thách để học bài học đó. Tôi có thể né tránh nó, nhưng số phận sẽ lại kéo tôi về với nó.

Rèn luyện thế nào là tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân, sự tuỳ thuộc này dẫn dến những đỉnh cao cuộc đời khác nhau

Nhưng cũng có nhiều người, họ thực sự món nào cũng 8 điểm. Vì họ luôn muốn tiến lên, không chỉ trong sự nghiệp, mà còn trong nhiều khía cạnh khác. Đã giỏi tiếng Anh thì lại muốn thông thạo thêm tiếng Tây Ban Nha tiếng Hàn hay tiếng Phạn. Đã giỏi đá bóng thì lại muốn chơi thêm bóng rổ, bóng chuyền. Đã chơi tennis thì lại muốc biết cả goft cả lái du thuyền. Trong công ty tôi có 2 nhóm nhân sự, một nhóm phải gần như cầm tay chỉ việc, nhưng khi đã chỉ, họ sẽ làm theo không sai một ly, còn tự họ thì sẽ loay hoay. Nhóm còn lại, chỉ cần đưa một vài từ khoá thì họ đã tự thân tìm hiểu và học cho đến giỏi thuần thục kiến thức và kỹ năng đó rồi. Chỉ cần bạn phát hiện được bạn thuộc nhóm nào và bạn chịu khó, thì bạn sẽ học được. Bài học càng khó, thành quả càng ngọt.

Bạn muốn đi bao xa và muốn trở thành điều gì? 2 câu hỏi này sẽ giúp bạn rèn luyện và tự giác rèn luyện dù ở đâu, dù cái gì có ngăn cản.

Tôi rất thích tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần vì khả năng tự nghiên cứu và tự học đáng nể. Tác giả có viết trong quyển Tôi tự học về kỷ luật. Nếu không có kỷ luật và sức bền thì rất khó để đào sâu một cái gì, đặc biệt là cái mà chúng ta không quá đam mê. Tác giả sẽ ngồi học vào lúc 8 giờ tối, học đến 9 hay 10 giờ, hàng ngày và không có ngoại lệ. Đó là khoảng thời gian riêng tư thiêng liêng mà vợ con, bạn bè hay bất kì việc gì đều không thể xâm phạm. Đó là khoảng thời gian tự học. Đó là khoảng thời gian mà nhiều năm góp lại, tác giả đã có công trình nghiên cứu của riêng mình về rất nhiều chủ đề căn bản mà sâu tận gốc rễ. Tác giả có thể gói gọn những thứ phức tạp vào trong một vài câu nói hay ví dụ đơn giản. Không nhiều giải thích, không dài dòng, nhưng quyển sách nào viết ra, cũng cần rất nhiều lần đọc. Mỗi lần, bạn sẽ mỗi học được và hiểu được ý của tác giả, theo một cách mới mẻ hơn, sâu sắc hơn.

Nhiều người nổi tiếng thế giới cũng luôn đưa ra nhận định về khoảng thời gian 20:00 hàng ngày. Họ cho rằng, bạn làm gì vào lúc 20:00-22:00 hàng ngày thì sau 1 năm, 5 năm hay 10 năm, sẽ phản ánh trình độ và thứ bậc của chính bạn. Tôi nghĩ rằng họ đang muốn nói tới một khoảng thời gian mà bạn có thể tự chọn, nhưng phải duy trì trong một thời gian đủ dài để nhìn thấy kết quả.

Tôi từ một người mất căn bản tiếng anh trầm trọng nhưng sau khi kiên trì 1 tuần 5 ngày làm bài tập, 2 ngày (mỗi ngày 2 tiếng) đi học, thì sau 1 năm tôi đã có thể giao tiếp tiếng anh tự tin và có vốn từ vựng đủ phong phú để biểu đạt thứ tôi muốn nói.

Tôi từ một người xuất thân từ Quản trị kinh doanh nhưng lại yếu về mặt kinh doanh, sau 2 năm đi học ròng rã mỗi thứ 7 và chủ nhật thì cũng đã trưởng thành hơn về mặt chiến lược và có khả năng lèo lái doanh nghiệp của mình qua nhiều sóng gió. Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn còn đang học và vẫn luôn học.

Tôi từng đặt mục tiêu thành thạo tiếng Tây Ban Nha từ 2019, nhưng mãi đến 2022 tôi mới đặt viên gạch đầu tiên là đi tìm giáo viên. Hiện tại mỗi tối 3-5 từ 20:00-21:30 tôi sẽ ngồi vào bàn và học tiếng Tây Ban Nha.

Bạn cũng cần lắng nghe những “tiếng nói từ vũ trụ”. Tôi không biết từ đâu tôi có idea học tiếng Tây Ban Nha, chỉ biết là nếu ngôn ngữ tiếp theo tôi học thì sẽ là tiếng TBN. Nhưng chỉ khi có chất xúc tác, bạn tôi sau khi nghe tôi nói muốn học thì bạn kêu: tìm thầy đi rồi cùng học. Vậy là sau 3 năm, tôi mới chủ động đi tìm thầy. Sau 15 phút thì tôi kết nối được với thầy.

Hay một bạn trong công ty, nhắn cho tôi về những wishlist bạn đặt ra từ 2017, nay đã trở thành hiện thực. Tôi mới xem lại plan mình đã viết các năm qua, thì thấy: TELOS Academy nằm trong một gạch đầu dòng. Tôi vội nhắn vào group chung và 3 ngày sau, fanpage TELOS Academy được hình thành, cùng hàng hoạt kế hoạch tiếp theo.

Bài viết này thực chất đã được viết từ lâu nhưng mãi nằm trong mục Draft cho tới khi bạn tôi publish bài viết: Kẻ không-giỏi-gì-cả giỏi nhất thì tôi mới quay lại và viết tiếp bài viết này. Có rất nhiều dấu hiệu của vũ trụ và việc của bạn là lắng nghe và quyết định có làm hay không. Tôi có rất nhiều trải nghiệm thú vị đến kinh ngạc khi lắng nghe và đi theo lời của vũ trụ.

Thật may mắn cho chúng ta, khi luôn có thể tiến lên và không bao giờ có thể chạm một đỉnh quá cao và ở đó mãi mãi. Luôn có kỷ lục mới, luôn có thành tích mới và luôn có phép màu mới, và con người là một sự không giới hạn diệu kỳ chỉ cần họ muốn.

Hãy làm gì đó trước tiên để chính ta trầm trồ khi nhìn lại, trước khi mọi người cùng công nhận điều bạn làm. Hãy công nhận bản thân trước và cho bản thân nhiều cơ hội được công nhận ở những ải tưởng chừng quá cao để với.

5. Quan sát

Óc sáng suốt lại là một quyển sách khác của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần mà tôi phải luôn đọc lại và luôn gợi ý cho mọi người đọc. Để thông suốt cái gì đó, bạn cần phải đặt nhiều tâm tư để quan sát, đo đạc, ghi nhận và cải tiến. Học cho tận tường và làm cho tới chốn.

Quan sát đến đâu phát triển đến đó

Mỗi ngày đi làm, tôi và chồng tôi đều thử nghiệm những cung đường mới và biết chính xác khung thời gian kẹt xe của từng điểm. Sau hơn 10 lần thử nghiệm thì chúng tôi tìm được con đường tối ưu nhất, không phải con đường ngắn nhất nhưng là con đường về nhà nhanh và mượt nhất dù tan tầm đông đúc.

Chồng tôi có sở thích mới là coldbrew. Anh ấy quan sát màu sắc, mùi hương, loại cà phê, brand cà phê, nguồn nước, mực nước, thời gian ủ, loại vật dụng chứa cà phê,… để cho ra mẻ cà phê ngon nhất. Lần sau sẽ đa phần ngon hơn lần trước, trừ vài lần bom xịt vì cà phê mới.

Sau nhiều dự án đã làm, team tôi đúc kết các nhóm câu hỏi khách hàng thường hỏi và nhóm kỳ vọng thường có để đưa ra bản brief và proposal phù hợp với từng nhóm khách hàng để tăng tỉ lệ chốt. Sau thời gian sử dụng template cũ, theo từng dự án ngày càng lớn và phức tạp hơn, chúng tôi lại tiếp tục nâng cấp proposal và báo giá. Nếu không biết tổng quát hoá cũng như tích luỹ, thì sẽ không thể cho ra các version dễ hiểu, thuyết phục hơn.

Trở thành người giỏi nhất của chính mình đôi khi là một sự khó chịu. Khi sự tiến lên quá chậm và khó thấy, chúng ta bực bội với bản thân và đem mình ra so sánh với người khác. Nhưng hãy nhìn lại, để bước lên một bậc thang, bạn phải tích luỹ đủ để bước lên hoặc bật lên. Trong quá trình tích luỹ đó, hầu như mọi thứ thể hiện ra bên ngoài đều đứng yên, chỉ có lòng kiên trì của chính bạn có thể an ủi được bạn. Kể cả khi đã trở thành con bướm, thì nó vẫn ở trong cái kén khoảng 10 ngày trước khi xé kén chui ra ngoài cho thế giới chiêm ngưỡng. Bạn cũng có thể đang đã là con bướm, không phải con nhộng nữa, nhưng bạn đang chờ thời điểm thích hợp để biểu diễn.

Chúc bạn sẽ luôn tiến lên (đôi khi cần nằm yên nghỉ ngơi nhưng đa phần là phải phát triển) và luôn đạt đỉnh cao hơn, của chính mình.

Các bài viết khác:

Like fanpage để cập nhật khi có bài mới


This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Copyright 2024 © Kiều Hải Yến