Our conversation – what is worth sharing (3) – mental prison

Điều gì ngay lúc này kìm hãm bạn khỏi những điều mà bạn thực sự mong muốn? Có phải những thứ bạn muốn đều đang ở trong suy nghĩ và chúng rất khó để trở thành hiện thực?

Chồng tôi hỏi tôi, điều gì ngăn cản em, ngay lúc này, được vui vẻ thong dong? Sao em phải chờ qua một cuộc chiến chinh dài đằng đẵng, thì mới có thể vui vẻ? Vui vẻ có thể là bây giờ, ở đây! Cú switch đó, không dễ dàng như công tắc, nhưng thực sự nó cũng chỉ dễ như cái công tắc thôi. Nhưng quyết định hành động bật công tắc, thì có thể ngay, hoặc ngàn chục năm. Là do ở ta.

Tôi định sẽ chạy bộ. Rồi suốt một tuần qua tôi chỉ đi bơi được 20 phút. Tôi chưa từng xỏ giày  vào và bước xuống sảnh để chạy trong suốt một tuần. 

Tôi định sẽ đọc hết cuốn sách. Rồi tôi chỉ mới đọc tới chương 4, dù tôi đã cầm cuốn sách cả tháng nay, giở ra rồi gấp lại. Tôi đọc và bị cuốn hút bởi những gì được viết trong cuốn sách đó, nhưng lại không đủ kiên trì để đọc đến hết. 

Tôi định sẽ ngồi thiền. Nhưng buổi sáng tôi nhiều việc, buổi trưa tôi đau lưng, buổi tối tôi muốn đi ngủ hơn. Vậy là cả tuần, tôi không ngồi thiền được phút nào. 

Những điều tôi muốn làm, đều đang nằm ở trong đầu. 

Những điều tôi không muốn, luôn quấy rầy tôi mọi lúc mọi nơi. 

Trong bộ phim Murder Mindfully, Björn Diemel được hỏi là khi anh đang đứng trước cửa, bấm chuông, và chờ Joschka Breitner ra mở cửa thì tâm trí anh đang ở đâu? Lúc đó, nhân vật đang ở 5 nơi, ở toà án, ở văn phòng luật, ở nhà, ở với Emily con anh và ở tại thời điểm vợ chồng anh cãi nhau. Chỉ trong 3 phút ngắn ngủi, rất nhiều thứ tự trôi đến, diễn tiến ở trong đầu của anh, làm cho  anh xôn xao, rối ren và áp lực. 

Mental prison, một nhà tù tinh thần, nó giam cầm những điều chúng ta muốn làm, xây lên bức tường và tìm mọi cách để chúng ta không thể tập trung vào những nguyên lý cốt lõi. Những nguyên lý này là nền tảng giúp chúng  ta trở nên tốt hơn, hay hoàn thành những sứ mệnh của cuộc đời. 

Trong quyển Tầm vóc đích thực (Primary greatness) của Stephen R. Covey, tác giả có nhắc đến mental prison, như là một chuỗi cách ứng xử của chúng ta để khiến chúng ta tin rằng tầm vóc thứ yếu tốt hơn tầm vóc đích thực, và do đó ta không thể hi vọng đạt được tầm vóc đích thực, và như vậy có nghĩa là chúng ta sẽ phí hoài mọi thứ, kể cả những thành công rực rỡ mà chúng ta xứng đáng có, và nhặt lại toàn bộ sự hối tiếc, hoặc lệch lạc, hoặc méo mó. 

Dale Carnegie nói: hai người đàn ông cùng nhìn ra từ song sắt nhà tù: một người thấy bùn, người kia thấy những vì sao.  

Chúng ta bị giam cầm bởi chính các mối quan hệ chúng ta xây nên hoặc bị đặt vào. Chúng ta bị giam cầm bởi chính cảm xúc và lối suy nghĩ ngày qua ngày của chúng ta. 

Có nhiều nguyên nhân sâu xa dẫn đến điều này nhưng có vẻ nó cũng là nguyên nhân mà tất cả mọi người gặp phải. 

Sự giam hãm của cảm xúc: Không sống thật với cảm xúc của chính mình và bị ảnh hưởng khi nhìn về một người, một sự kiện, bằng con mắt của người khác và lời nói của người khác. Và bằng cách bị người khác nhìn nhận lệch lạc và tổn thương,  bạn cũng muốn tổn thương người khác hoặc chí ít  nghĩ rằng họ có nhiều điều không đúng đắn. 

Căn bệnh vạch lá tìm sâu: Luôn tìm thấy lỗi ở người khác dù là nhỏ nhặt nhất. Có lẽ đó là sự phóng chiếu của bản thân mình và cho đó là sự yếu kém của người khác. 

Kịch bản nghèo nàn: Tin rằng phải có thắng có thua và cố gắng để người thua không phải là mình bằng nhiều cách. Hệ thống được tạo nên bởi những người luôn có những kịch bản nghèo nàn này sẽ luôn ích kỉ, biết cho bản thân, luôn tìm thấy sự sai của người khác và niềm tin với người khác là điều xa xỉ. 

Không cân bằng vai trò: Chạy trốn khỏi vai trò này và muốn làm nhiều hơn ở vai trò khác. Trong quyển Hard thing about hard things, tác giả Ben Horowitz lăn xả vì muốn vợ và 3 đứa con có cuộc sống tốt đẹp hơn, để rồi khi thời khắc công ty sắp sụp đổ, anh hay tin người vợ của mình mới trải qua sinh tử ngày hôm qua, mà anh không có mặt ở nhà, và anh cũng không thể về mà cũng không thể không về với vợ. Sự lựa chọn tiến thoái lưỡng nan giữa công ty và vợ. Người mà anh đã bắt đầu công việc để mong có cuộc sống tốt hơn cho, thì anh lại không có thời gian cho họ. 

Các áp lực, vô hình, dày vò chúng ta bằng cách khiến chúng ta luôn nghĩ về chúng. Trong mỗi tích tắc trôi qua, đầu óc chúng ta bị kéo ra hàng trăm nơi, với hàng trăm thứ, đã xảy ra hoặc sắp xảy ra, viễn cảnh tiêu cực và viễn cảnh tích cực đan xen nhau, như một tấm lụa, được dệt nhanh, bện vào nhau, và kéo dài đến vô tận. 

Tôi nhiều lần tự hỏi, các suy nghĩ không ngừng đó, là cách chúng ta sẽ phải cùng chung sống cho đến khi hết đi thời gian hay sao? Và làm sao để làm chủ được những luồng suy tư đó? Khi nào chúng ta mở cửa cho chúng bước vào và khi nào chúng ta đóng sầm cửa lại và chúng không được phép ở trong ngôi đền thiêng liêng của chúng ta? 

Và bao nhiêu lần tôi biết rõ câu trả lời nhưng chỉ cần lơi ra một chút, là lại quên béng đi những nguyên lý cốt lõi? Chánh niệm. Rèn luyện. Cân bằng. Sống hoà theo những nguyên lý của vũ trụ, không phải những nguyên tắc để đi tắt. 

Quên đi bởi vì mình tự cho phép chúng được diễn ra và xâm phạm vào vùng đất tâm hồn của mình. Quên đi bởi vì sự lo âu, trạng thái áp lực nó khiến cho mình phải giải quyết  vấn đề, phải  làm việc, phải chạy liên tục, còn việc đó có ý nghĩa hay không, thì mình lại bỏ qua, quên hỏi. Quên loại bỏ đi những điều vô ích. Quên tập trung vào điều cốt lõi. Vì điều cốt lõi thì khó, còn suy tư lung tung thì dễ. 

Tôi đã bắt đầu luyện tập trở lại, hít thở sâu và tập trung vào hiện tại. Sắp xếp, lọc lựa và loại bỏ những điều vô bổ. Mỗi ngày giảm 5% suy nghĩ vô ích và tự phát, là thành công.  

Sự cân bằng dài lâu (long-term balance) là điều quan trọng. Trong hiện tại tôi vẫn biết mình chông chênh, xiêu vẹo, và tan hoang. Nhưng tôi cho phép mình vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp, để ở trong thời gian tới, mọi thứ sẽ trở về thế quân bình. Sự cân bằng, sự bình yên. Rồi thế mất cân bằng sẽ lại tiếp tục, nhưng trong lòng mình sẽ không còn bất cân nữa. Như nước, ở trên cao hay ở dưới thấp, thì đều theo luật, liên tục, chảy về nguồn, vô hình tướng, không thể cắt tách rời, không cần tranh chấp. Dù sóng gió, hay thác đổ, hay yên ả. Đều nhất nhất theo quy luật chung.

Các bài viết khác:

Like fanpage để cập nhật khi có bài mới


This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Copyright 2025 © Kiều Hải Yến