“Cảm ơn” – “Cám ơn” – “Thanks” cùng có nghĩa là sự biết ơn đối với hành động/câu nói từ người giúp đỡ bạn nhưng thể hiện sắc thái rất khác nhau.
#1 – “Thanks”: là một dạng giao tiếp thông thường, một cử chỉ đáp lại nhẹ nhàng khi ai đó thực hiện giúp ta một việc, như rót nước, nhích cái ghế sang một bên. Người nói “Thanks” thường theo thói quen, và sâu hơn, họ nghĩ chưa đến mức phải nói “Cám ơn” hoặc không quen dùng từ “Cám ơn”.
#2 – “Cám ơn”: thể hiện sự biết ơn của mình đối với hành động/lời nói của người khác.
#3 – “Cảm ơn”: thể hiện thái độ đặc biệt cảm kích trước hành động của người khác, thêm vào đó tình cảm, và xem trọng.
Nhưng lí giải này còn tùy thuộc vào câu nói, ngữ cảnh và thái độ khi nói của họ. Đây chỉ là quan điểm riêng của mình.
Tại sao mình lại viết về chủ đề này? Vì mình thấy lời cảm ơn rất khó nói từ nhiều người.
#1: Cảm ơn là khách sáo
Theo quan sát, có rất nhiều người hiện nay không biết nói cám ơn, cũng không tỏ thái độ biết ơn khi nhận được hành động tốt hay câu nói hay, giúp đỡ … cho họ. Họ cảm thấy đó là nghĩa vụ hoặc cảm thấy không quan trọng.
Họ cảm thấy đó là thói xả giao quá khách sáo, mực thước không cần thiết với người Việt Nam, hay gần hơn là người miền Nam.
Không có gì sai, bởi người “mình” có tính tình ôn hòa, hay giúp đỡ, giúp không phải vì một câu “Cảm ơn” hay mong được đền đáp. Họ giúp vì những việc đó nằm trong khả năng của họ.
Nhưng, nếu bạn nghĩ, những việc đó thật nhỏ nhặt để nói “Cảm ơn” và hình thành thói quen biết nhận mà không biết ơn, sẽ nguy to.
Không có hành động giúp đỡ nào là nhỏ nhặt không đáng để bạn cám ơn
#2: Đó là việc đương nhiên, không cần phải cảm ơn
Mình có thằng cháu, nó 4 tuổi. Hôm nó đi Sài Gòn bằng xe Phương Trang, đến trạm, trước khi bước xuống xe, nó chạy lại “Cảm ơn bác tài xế”. Mọi người xung quanh đều giật mình. Tại sao nó lại cảm ơn trong khi ai cũng biết, tài xế có nghĩa vụ phải chở hành khách? Cháu mình nói “Vì bác tài xế đã chở cháu đến nơi an toàn”. (!)
#3: Ngượng
Do thói quen ít cảm ơn, khi nói lại ngượng. Ngại nói tiếng cảm ơn khi được nhường chỗ trên xe buýt, ngại nói tiếng cảm ơn khi được tính tiền trước trong siêu thị, ngại nói tiếng cảm ơn khi phục vụ đến lau bàn vì bất cẩn làm đổ nước, … ngại nói tiếng cảm ơn với cả đấng sinh thành, …
Lời cảm ơn không phải là nghĩa vụ, không ai ép bạn phải dùng, nhưng nó thể hiện bạn là người văn minh – lịch sự (tất nhiên, người nói cảm ơn như thủ tục còn tệ hơn không nói), biết cảm kích trước sự giúp đỡ của người khác, cho người khác biết, sự giúp đỡ của họ có ý nghĩa như thế nào với bạn.
Kết luận: Hãy biết nói cảm ơn đúng lúc một cách chân thành.
Copyright 2024 © Kiều Hải Yến