Hôm nay mình chính thức gia nhập “biệt đội 22”. Con số mà dăm bảy năm về trước mình thường mường tượng ra mình phải là cô gái như thế nào. Một vài giây phút lắng lọc để viết cho cái tuổi 22, tuổi lò dò bước, chạy, vấp ngã và hiểu ra nhiều điều, những điều màu hồng bỗng dưng hóa xám!
Tuổi 22 mơ về những buổi sáng bên cửa sổ và chú mèo
Hôm nay, chính thức 22 tuổi. Mình vỡ mộng!
Cuộc sống thật vội vã, cứ làm mãi làm mãi mà không bao giờ thấy đủ. Hay cáu giận mỗi khi ngày cứ ngắn đi mà việc mình làm chẳng đáng bao nhiêu. Guồng đời nó cuốn mình, người người hối hả, chẳng ai nghe thấy tiếng nói của ai, chỉ chăm cho “góc sống” của họ. Tự bươn chải – một từ đúng nghĩa. Nó làm mình mau chóng tàn úa hơn, chai sạn hơn. Những cảm xúc trẻ con dần biến mất, ít giận, ít sóng gió, ít bực bội, ít khoe khoang, ít xốc nổi, ít tự phụ. Mình rất tâm đắc lời của cô Mỹ Nguyễn chia sẻ trong buổi Wonmen in IT “Trước khi làm việc gì, hãy nghĩ đến làm việc đó như thế nào, đừng bao giờ nghĩ mình là giới nào, có làm được không“. Chính sự ràng buộc, định kiến sẽ là chướng ngại lớn nhất trong sự nghiệp. Lại chính là định kiến giới tính khiến cho phụ nữ dễ gục ngã hơn, yếu đuối và tự ti hơn so với nam giới.
Mình không trở thành cô nhân viên văn phòng, chẳng ăn mặc ra dáng, chỉ quần Jeans, áo thun, cũng chẳng giày cao gót do lần ngã xe trước chân vẫn ngại xỏ chân vào những thứ không bằng phẳng. Mình đi nhanh hơn, mình không còn ác cảm với giày bệt nữa, cũng chẳng ngại dép lê! Giày cao gót bây giờ với mình cũng giống như một thứ uy quyền đầy áp lực, kiểu “Muốn đội vương miện phải chịu được sức nặng của nó” (The Heirs). Mặc dù luôn hướng đến cái đẹp, nhưng trong chừng mực, mình biết ở thời điểm nào cần như thế nào, phải phấn đấu đến đâu để không sống quá khập khiễng. “Một chiếc đèn chùm đắt giá không thể đặt trong một ngôi nhà tồi tàn” – trích truyện Chú Thòong.
Vẫn giữ cho mình sở thích ngắm những đôi giày cao gót
Những nhận thức và mục tiêu trước đây hoàn toàn bị thay đổi. Không phải cái nghịch lí càng lớn ước mơ càng bé lại, mà nó đã chuyển thành một dạng ước mơ dựa trên thực tế, trải nghiệm và dày dặn hơn.
Mình không mơ trở thành ai đó thực sự cao siêu, mọi người ngưỡng mộ, mình chỉ mơ làm tốt công việc của mình, làm những việc mình thích, sống với người mình yêu thương. Giống như anh Đức Sơn (sáng lập viên Học viện Sage) thường viết, “Những sáng tạo để đời không dễ tạo ra, hãy biết cách làm đúng ngay từ đầu, làm tốt từ những cái nhỏ nhất”.
Tuổi 22, mình ý thức được cái gì quan trọng, cái gì chỉ là phù phiếm.
#Sức khỏe: Khi có sức khỏe người ta mơ nhiều thứ, khi không có sức khỏe người ta chỉ ước một thứ.
#Gia đình: Nơi duy nhất ta có thể quay về, dù ta thất bại, ta trơ trọi, ta mệt nhoài, yếu đuối hay sai lầm. Nơi duy nhất không chấp nhất ta, không bỏ mặc ta, không ngừng yêu thương ta. Nơi ta trở về đúng nghĩa một đứa trẻ, được bảo bọc và nuông chiều.
Gia đình là nơi duy nhất để ta quay về
#Mục tiêu: Một mục tiêu duy nhất khiến ta muốn đi hết con đường, bằng mọi ngã đường, bằng mọi phương tiện, chân phương, chính trực để đạt được mục tiêu đó. Không bon chen, không so sánh, không xách mé, không ngoáy đầu.
#Niềm tin: Đừng bao giờ để mất niềm tin! “Càng tin tưởng càng dễ thất vọng”, thật không phải vậy. Niềm tin được xây dựng trên mục tiêu không thay đổi, đam mê không ngưng nghỉ và sự cố gắng thực sự, ít ra cũng luôn đau đáu về nó, làm những việc thật nhỏ vì nó, vui với nó, buồn với nó, thì niềm tin hoàn toàn có thể giúp ta chiến thắng nỗi sợ hãi. “Niềm tin, hi vọng là thứ duy nhất cao hơn nỗi sợ” – The Hunger Games.
#Tận hưởng: Biết vui và hãnh diện. Biết hài lòng. Biết hạnh phúc. Đừng để trái tim mất hơi ấm! Có thể gai góc, có thể trưởng thành, nhưng đừng để mất đi cảm giác, đừng để cuộc sống tẻ nhạt, buồn chán.
Sống như một đứa trẻ, biết say mê, mới mẻ, không toan tính
Viết cho tuổi 22: Ta sống cuộc sống của ta, mọi người nhìn ta, cười ta, rồi cũng về với cuộc sống của họ. Đừng quá nghe theo miệng đời để trở thành trò cười “vợ – chồng và con lừa“.
May 07, 2014
– KHY –
Copyright 2024 © Kiều Hải Yến